Mùa Thu còn là mùa của các loại bệnh về đường hô hấp vì thời tiết thay đổi “chóng vánh”. Bỏ túi bí kíp đẩy lùi căn bệnh ấy nhé nàng!
Những mẹo đơn giản cho giao mùa chẳng lo cảm cúm
Căn bệnh “nổi bật” nhất mùa này chính là “em” cảm cúm. Cảm cúm không đáng sợ, đáng sợ nhất là việc cảm cúm kéo dài khiến nàng “đuối sức” mà bỏ bê bản thân và công việc. Do đó khi mới chớm bị cảm cúm, nàng hãy áp dụng những cách sau đây để dập tắt cơn bệnh ngay khi còn trong “trứng nước”. Thêm vào đó, bỏ túi những mẹo sau cũng là cách hay ho để nàng phòng bệnh hơn chữa bệnh đấy!
Trà gừng
Từ lâu trà gừng đã được biết đến như một cách giải cảm hiệu quả. Trong trường hợp gặp mưa và bị nhiễm lạnh, khi về đến nhà nàng nên pha cho mình một ly trà gừng để giải cảm. Có nhiều công thức pha trà gừng như gừng tươi cùng đường, hay gừng tươi pha thêm chanh và mật ong. Nàng có thể thử ngay công thức gừng tươi pha với chanh và mật ong tối nay, vì bên cạnh tác dụng trị cảm cúm, còn giúp trị viêm họng và giảm cân nữa.
Chuẩn bị: 1 nhánh gừng tươi, một thìa mật ong và nửa quả chanh
Cách làm:
Bước 1: Làm sạch gừng và thái thành lát mỏng.
Bước 2: Cho lượng nước vừa đủ uống vào nồi, thả các lát gừng vào và đun sôi trong vòng 10 phút.
Bước 3: Tắt bếp, nhắc nồi xuống và đổ nước vào cốc. Vắt nước chanh (nhớ bỏ hạt) và cho thìa mật ong vào khuấy đều.
Nàng nên uống trà gừng khi còn nóng, khuấy đều để tận hưởng mùi thơm lan tỏa. Mỗi ngày chỉ nên uống một cốc là vừa đủ nàng nhé.
Tinh dầu sả chanh
Từ lâu sả và chanh là hai cây thuốc được dùng để nấu nước xông hơi giải cảm. Tuy nhiên không phải lúc nào nàng cũng có thể mua được dễ dàng hai loại này, nhất là khi đang bị ốm và rất mệt. Do đó hãy “thủ sẵn” bên mình một lọ tinh dầu sả chanh để xông hơi, giải cảm nhất là những ngày giao mùa như thế này.
Cách làm đơn giản, nàng chỉ cần nấu một nồi nước sôi, đổ vào bát tô và nhỏ từ 3 - 4 giọt tinh dầu. Dùng chăn mỏng trùm kín xông từ 15 - 20 phút để mồ hôi thoát ra. Nàng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và khỏe khoắn hơn ngay sau đó đấy. Nàng lấy khăn khô lau mồ hôi và tránh gió lùa nữa nhé.
Uống nước ấm
Nếu nàng bị viêm xoang, viêm mũi hay viêm họng thì giao mùa cũng là thời điểm “nhạy cảm”, nguy cơ mắc cảm cúm sẽ cao hơn. Do đó nàng có thể “giữ ấm” cơ quan hô hấp của mình bằng việc uống nước ấm nhiều hơn, thay vì liên tục uống nước đá quá lạnh.
Nên mở quạt nhỏ khi ngủ
Khi bật quạt thẳng vào người và ở số lớn, vùng tiếp xúc trực tiếp với gió sẽ khô nhanh hơn, gây mất cân bằng bài tiết mồ hôi và ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng, gây các bệnh cảm cúm, đau đầu. Do đó khi ngủ, nàng nên bật quạt số nhỏ và không nên hướng thẳng vào người. Bên cạnh đó, nàng nên mở cửa phòng cho thông thoáng và dùng một chiếc chăn mỏng đắp ngang bụng để giữ ấm.
Giữ ấm khi ngủ
Khi ngủ thân nhiệt giảm thấp, nàng nên để ý đến việc giữ ấm cho cơ thể bằng việc đắp chân mỏng ngang bụng dù nằm điều hòa hay nằm quạt. Giao mùa cũng là thời điểm nhiệt độ nửa đêm có thể giảm mạnh đột ngột, vì vậy nàng hãy luôn chuẩn bị thêm một chiếc chăn để bên, để nếu nửa đêm lạnh quá mà tỉnh giấc, thì có thể vơ ngay chiếc chăn thứ hai để đắp cho ấm và ngủ tiếp.
Súc nước muối
Thời tiết thay đổi cũng là cơ hội để vi khuẩn tấn công cơ quan hô hấp. Việc súc miệng bằng nước muối sẽ ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia chứng minh là tốt cho sức khỏe. Có một lưu ý nhỏ khi súc nước muối đó là nàng nên dùng nước muối sinh lý hoặc tự pha với tỷ lệ muối là 0,9% tức là cứ 9g muối trên 1000ml nước. Nếu quá mặn sẽ dễ dẫn đến dư muối trong cơ thể và nhạt quá không đủ có tác dụng. Nàng không nên ngậm muối hột vì dễ dẫn đến tổn thương tế bào niêm mạc họng. Và súc miệng bằng nước muối xong, nàng nhớ súc lại ngay bằng nước lọc để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong trong quá trình súc muối.